Tin tức - Sự kiện

Mụn trứng cá

14:24:3916/08/2017

Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là một tình trạng da rất phổ biến thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên. Các nang lông và tuyến bã nhờn bị tắc nghẽn và có hiện tượng viêm nhiễm. Vì vậy những vị trí mà có các tuyến bã nhờn lớn nhất và hoạt động mạnh nhất như mặt, cổ, lưng và ngực thường xuất hiện các dạng mụn trứng cá như: mụn đầu trắng, mụn đầu đen và mụn mủ.

Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá?

  • Hormones: Vào khoảng 8 tuổi, tuyến thượng thận bắt đầu sản sinh ra androgens (hormon nam) và lượng sản sinh ra tăng dần trong giai đoạn dậy thì. Các tuyến bã nhờn đáp ứng với hormone androgens bằng cách sản sinh nhiều bã nhờn hơn. Một số trường hợp mụn đầu trắng (mụn trứng cá đóng) có thể gặp ở trẻ nhỏ.
  • Sự tắc nghẽn tuyến bã nhờn: Các tế bào da chết nằm trên ống nang lông tích tụ và tạo thành nhân mụn. Điều này làm cho bã nhờn bị tắc nghẽn trong ống nang lông.
  • Vi khuẩn và sự viêm nhiễm: Sự phát triển về số lượng của vi khuẩn gây mụn trứng cá (Propionibacterium acnes) trong nang lông bị tắc nghẽn làm cho mụn bị viêm nhiễm và có thể tiến triển nặng hơn thành mụn nhọt.
  • Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền là yếu tố nguy cơ của mụn trứng cá.
  • Stress: Khi bạn bị stress, tuyến thượng thận sẽ sản xuất ra nhiều hormone androgens hơn. Điều này làm cho tình trạng mụn trứng cá trở nên tồi tệ hơn.
  • Chế độ ăn uống: Một số loại thức ăn có thể làm tăng nặng thêm tình trạng mụn trứng cá.
  • Yếu tố nghề nghiệp: Một số người làm việc trong một số ngành công nghiệp nhất định có thể mắc bệnh mụn trứng cá nghề nghiệp.

Những dạng mụn trứng cá

Mụn đầu trắng là những đốm nhỏ ở dưới bề mặt da không tiếp xúc với không khí, trong đó khi mụn đầu đen có phần tiếp xúc với không khí nên bị đen trên bề mặt.

Mụn đầu trắng - Ảnh: internet

Mụn đầu đen - Ảnh: Internet

Mụn đầu trắng và mụn đầu đen có thể tự hết hoặc phát triển thành những dạng mụn nặng hơn như mụn đỏ, mụn mủ.

Mụn ở cằm - Ảnh: Internet

Nếu mụn trứng cá bị viêm nặng hơn thì có thể phát triển thành nốt hoặc nang mụn trứng cá lớn hơn, đỏ hơn, sâu hơn. Những tổn thương này thường để lại sẹo.

Điều trị mụn trứng cá

Có rất nhiều phương pháp điều trị mụn an toàn và hiệu quả như điều trị tại chỗ, kháng sinh uống, liệu pháp hóc môn hay sử dụng retinoid. Tuy nhiên, phải kiên trì ít nhất 6 đến 8 tuần mới thấy được sự cải thiện tình trạng mụn trứng cá.

Mục tiêu điều trị

  • Giảm số lượng nhân mụn (mụn đầu đen và đầu trắng)
  • Giảm tình trạng viêm nhiễm (mụn đỏ và mụn mủ)
  • Giảm khả năng thay đổi sắc tố vĩnh viễn (thay đổi màu da)
  • Ngăn ngừa hình thành sẹo

Khi tình trạng viêm nhiễm chấm dứt các vết mụn có thể chuyển thành màu hồng, đỏ tím và ở một số người có thể để lại vết thâm mà thường sẽ mờ dần theo thời gian. Trường hợp mụn trứng cá mức độ nặng, các u nang mụn bị viêm nhiễm trầm trọng sẽ để lại sẹo sau khi khỏi.

Mụn trứng cá thường dễ tái phát. Do đó việc bị mụn trứng cá có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm. Việc tuân thủ điều trị và điều trị liên tục rất quan trọng có thể hạn chế được sự tái phát mụn và giảm các phản ứng phụ lâu dài.

Các biện pháp thông dụng

  • Tránh sử dụng mỹ phẩm hoặc kem chống nắng nhờn ở vùng da bị mụn trứng cá.
  • Rửa mặt bằng nước ấm và lau mặt với vải mềm (dùng xà phòng nhẹ nếu cần thiết) để loại bỏ dầu thừa. Nếu không bạn có thể dùng một loại kem rửa mặt có chứa salicylic acid, glycolic acid hoặc benzoyl peroxide để loại bỏ dầu thừa trên da mặt.
  • Tránh tẩy tế bào chết, toner, sữa rửa mặt và tẩy trang.
  • Tránh bóp và nặn mụn vì điều này sẽ kích thích các tổn thương viêm và có nhiều khả năng dẫn đến sẹo.
  • Tránh các khu vực ẩm nóng và tránh mặc quần áo chật ở vùng bị mụn trứng cá.
  • Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng và có chỉ số đường huyết thấp kết hợp với tập thể dục thường xuyên.
  • Tránh hút thuốc.
  • lợi ích của chỉ nha khoa

Các chế phẩm không kê toa dạng bôi ngoài da

Các loại thuốc không kê toa dạng bôi ngoài da sử dụng cho toàn bộ khu vực bị mụn trứng cá, chứ không dùng chấm lên các vết mụn riêng biệt. Bao gồm các loại sau:

  • Benzoyl peroxide dạng lotion và dạng kem
  • Sản phẩm có chứa Azelaic acid
  • Các sản phẩm chứa glycolic acid (nồng độ 10% hoặc cao hơn).

Tất cả những sản phẩm trên có thể gây kích ứng và khô da khi sử dụng. Giảm tần suất sử dụng nếu hiện tượng này xảy ra. Ngừng sử dụng sản phẩm và đến gặp bác sĩ nếu xảy ra kích ứng nghiêm trọng.

Các sản phẩm kê toa dạng bôi ngoài da

Được kê toa bởi các bác sĩ da liễu khi sử dụng các chế phẩm không kê toa bôi ngoài da không hiệu quả. Bao gồm các loại sau

  • Thuốc kháng sinh bôi da (dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với benzoyl peroxide) để giảm tình trạng viêm ở mụn bọc hoặc mụn mủ.
  • Retinoid bôi da (dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với benzoyl peroxide) để giúp loại bỏ nhân mụn (mụn đầu trắng và mụn đầu đen). Hoạt chất này cũng là một tác nhân điều trị chứng comedolytic ("comedolytic" là thuật ngữ dùng để mô tả một sản phẩm hoặc thuốc ngăn ngừa sự hình thành nhân mụn như mụn đầu trắng và mụn đầu đen).

Những chế phẩm này có thể gây khô da ở một số đối tượng. Cần giảm tần suất sử dụng nếu bị khô da. Ngừng sử dụng sản phẩm và gặp bác sĩ nếu xảy ra hiện tượng kích ứng nghiêm trọng.

Các chế phẩm uống theo toa

Các chế phẩm này được bác sĩ da liễu kê toa để ngăn ngừa mụn trứng cá trong trường hợp có nhiều nhân mụn trứng cá lan rộng và tình trạng những nốt mụn trứng cá bị viêm, sâu và to hơn. Thuốc uống theo đơn bao gồm kháng sinh, thuốc tránh thai đường uống và thuốc chống androgens. Thường kết hợp với thuốc bôi da có tác dụng điều trị comedolytic.

Thuốc kháng sinh đường uống bao gồm doxycycline, minocycline và các loại kháng sinh khác.

Điều trị bằng hormone rất hiệu quả ở phụ nữ bị mụn trứng cá. Có thể sử dụng:

  • Thuốc ngừa thai uống (có rất nhiều dạng dùng khác nhau)
  • Thuốc chống androgen (như spironolactone hoặc cyproterone acetat)

(Lược dịch từ nguồn : https://www.dermcoll.edu.au/atoz/acne-vulgaris/)