Tin tức - Sự kiện

Một số thuốc dùng trong điều trị tiêu chảy

13:50:1705/05/2017

Một số thuốc dùng trong điều trị tiêu chảy

 

Chăm sóc trẻ cẩn thận khi bị tiêu chảy

Trong điều trị tiêu chảy, ngoài việc điều trị nguyên nhân là quan trọng, chúng ta cũng nên lưu ý trong mọi trường hợp là phòng mất nước và rối loạn điện giải (sử dụng Oresol luôn được khuyến cáo).

Một số thuốc giúp làm giảm triệu chứng có thể dùng cho người lớn, nhưng rất thận trọng với trẻ em. Trong những trường hợp thông thường, người dùng có thể đến nhà thuốc để được dược sĩ hướng dẫn chọn lựa thuốc hợp lý.

Các thuốc hấp phụ độc tố, bao phủ niêm mạc ruột

Do có trọng lượng phân tử cao, cấu trúc phiến mỏng, dẻo dai nên các chất này có khả năng gắn với glycoprotein của niêm mạc đường tiêu hóa, tạo thành một lớp mỏng bao phủ, bảo vệ niêm mạc.

Các chất hấp phụ này trơ về mặt hóa học và có cấu trúc đặc biệt, có khả năng hút giữ các vi khuẩn, độc tố vi khuẩn, siêu vi và các khí sinh ra trong ống tiêu hóa (là những tác nhân làm kích thích niêm mạc) và sau đó được thải ra ngoài kéo theo các chất mà nó hút giữ. Chất hấp phụ này không hòa tan và không hấp thu nên an toàn cho người sử dụng.

Một trong các loại thuốc hấp phụ, bao phủ niêm mạc ruột là Smecta, loại thuốc đã được nhiều người tiêu dùng biết tới. Với cấu trúc từng lớp và độ nhầy cao, Smecta có khả năng bao phủ niêm mạc tiêu hóa lớn. Smecta tương tác với glycoprotein của chất nhầy làm tăng sức chịu đựng của lớp gel dính trên niêm mạc khi bị tấn công. Nhờ tác động trên hàng rào niêm mạc tiêu hóa và khả năng bám cao nên Smecta bảo vệ được niêm mạc tiêu hóa. Với liều lượng thông dụng, Smecta cũng không làm thay đổi thời gian vận chuyển sinh lý của ruột.

Hoạt chất chính là diosmectite, các thành phần khác là glucose monohydrat, sodium saccharin, hương cam - vani, thuốc này được bào chế dưới dạng bột pha hỗn dịch uống. Thuốc được chỉ định điều trị các triệu chứng trong tiêu chảy cấp ở trẻ em và người lớn. Điều trị các triệu chứng trong tiêu chảy mạn tính. Điều trị triệu chứng các chứng đau liên quan tới thực quản, dạ dày, tá tràng và ruột.

Các thuốc làm giảm tiết dịch, giảm nhu động ruột

Các thuốc có tác dụng làm giảm tiết dịch thường dùng trong điều trị bệnh tiêu chảy là Loperamide và Racecadotril. Hai loại thuốc này đều không có tính kháng khuẩn nên không phải là thuốc đặc trị cho tiêu chảy do nhiễm khuẩn mà là thuốc dùng cho các tiêu chảy không nhiễm khuẩn (tiêu chảy không đặc hiệu liên quan đến đường ruột như rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng...); hai thuốc này tác động lên sự chuyển hóa dịch, chất điện giải qua ruột (nhưng theo các cơ chế khác nhau).

Thuốc Loperamide được chỉ định để điều trị triệu chứng tiêu chảy cấp không có biến chứng ở người lớn hoặc làm giảm thể tích chất thải sau thủ thuật mở thông hồi tràng hoặc đại tràng.

Một trong những nguyên tắc trong điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn là không được tăng thời gian giữ lại phân lâu trong ruột, làm tăng sinh vi khuẩn trong ruột. Loperamide chống co thắt, làm giảm nhu động ruột, nên làm tăng thời gian giữ phân lại, làm tăng sinh vi khuẩn trong ruột. Từ đó có thể gây bùng phát lại sự nhiễm khuẩn. Trong trường hợp vi khuẩn tiết ra chất độc, độc tố lưu lại trong ruột còn gây hại. Như vậy, từ một thuốc chống tiêu chảy, Loperamide có thể làm tái sự tiêu chảy và gây độc nếu phối hợp không khéo (dùng liều cao làm giảm nhu động ruột quá mức). Đây là một tác dụng phụ xảy ra do cách dùng thuốc không đúng mà ít được để ý.

Loperamide là một opiat tổng hợp, với liều dùng trong điều trị tiêu chảy thì ít độc cho hệ thần kinh trung ương của người lớn. Tuy nhiên, nó có thể gây các triệu chứng thần kinh cho trẻ dưới 6 tuổi. Vì vậy, Loperamide không phải là thuốc tiêu chảy cho trẻ em, không đưa vào thường quy điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trong một số biệt dược, nhà sản xuất còn cẩn thận hơn khi ghi rõ là không dùng cho trẻ dưới 8 tuổi.

Loperamide khi dùng liều cao kéo dài sẽ bị táo bón, đau bụng, buồn nôn, nôn, bệnh răng miệng, trướng bụng, tắc, liệt ruột (do làm giảm co thắt, giảm nhu động ruột quá mức). Ngoài ra, thuốc còn gây một số biểu hiện về thần kinh như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi. Không dùng Loperamide cho người có nhu động ruột bị giảm sút, trướng bụng. Thận trọng khi dùng với người viêm loét dạ dày, có chức năng gan suy giảm. Không dùng Loperamide cho người có thai (vì chưa có đủ thông tin); có thể dùng cho người cho con bú (vì thuốc tiết qua sữa rất ít) nhưng chỉ nên dùng liều thấp. Trong vòng 48 giờ dùng Loperamide riêng lẻ hay kết hợp với thuốc đặc trị mà không thấy hiệu quả thì phải ngừng dùng.

Thuốc Racecadotril có cơ chế làm giảm tiết dịch mà không chống co thắt, giảm nhu động ruột. So với Loperamide thì phạm vi liều dùng của Racecadotril rộng hơn. Tuy nhiên, trong lâm sàng cũng chỉ dùng với liều đủ hiệu quả chống tiết dịch, chất điện giải mà không nên dùng liều cao hơn.

Phức hợp Bismuth subsalicylat

Bismuth subsalicylate thường được sử dụng điều trị tiêu chảy cấp, ngăn ngừa và điều trị tiêu chảy của người du lịch đại trà. Thuốc có dạng dịch, hoặc thuốc viên. Thuốc bismuth subsalicylat không nên dùng nhiều quá có thể bị độc do chất salicylat (không nên dùng cho bệnh nhân đang dùng thuốc aspirin, thuốc loãng máu, bệnh thận, bệnh thống phong (gout), phụ nữ đang mang thai, hoặc trẻ em). Những tác dụng phụ là phân và lưỡi sậm màu.

Hiện nay phức hợp bismuth subsalicylat không còn sử dụng phổ biến như trước.

Thuốc có nguồn gốc từ vi khuẩn và nấm

Bình thường các vi khuẩn cộng sinh trong lòng ruột có sự cân bằng giữa vi khuẩn hủy saccharose và các vi khuẩn hủy protein. Một số chất tấn công vào vi khuẩn hủy saccharose như rượu, stress, nhiễm khuẩn, kháng sinh đã gây ra sự mất cân bằng trên, làm tăng vi khuẩn hủy protein, dẫn đến rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, trướng bụng...).

Một số vi khuẩn và nấm đã được sử dụng để điều trị các rối loạn tiêu hóa này. Có thể kể đến Lactobacillus acidophilus là loại vi khuẩn có khả năng sản xuất acid lactic và hai chất diệt khuẩn là lactocidin và acidophillin có khả năng tổng hợp vitamin nhóm B. Thuốc này được chỉ định cho bệnh tiêu chảy do loạn khuẩn ở ruột.

Ngoài ra còn có loại nấm men Saccharomyces boulardii, có tác dụng tổng hợp vitamin nhóm B, kìm khuẩn, diệt Candida albicans, kích thích miễn dịch không đặc hiệu. Thuốc này được chỉ định dùng dự phòng và điều trị tiêu chảy do dùng kháng sinh, tiêu chảy cấp. Vì nấm men là các tế bào sống nên lưu ý không dùng chung với thức ăn, thức uống nóng (trên 50 độ C) hoặc lạnh, hoặc có rượu. Không được dùng chung với các thuốc chống nấm.

(Nguồn: http://khoahocphothong.com.vn/mot-so-thuoc-dung-trong-dieu-tri-tieu-chay-40901.html)