Vì sao mùa hè hay bị bệnh tiêu chảy
Vào mùa hè, nhiệt độ cao thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm nên thức ăn rất chóng hư hỏng...
Ảnh minh họa
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... sinh sôi nảy nở nên càng dễ làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa qua thực phẩm và nước uống. Một trong những bệnh thường gặp khi mùa hè đến là bệnh tiêu chảy.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy, trong đó có nguyên nhân do virus, vi khuẩn, nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn tả (còn gọi là bệnh tả). Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.
Những người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh tiêu chảy: Những người ăn uống và sống gần với người bị tiêu chảy dễ mắc bệnh nếu không áp dụng các biện pháp phòng bệnh; dân cư tại những khu vực sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, đổ thẳng phân ra cống, mương, ao, hồ, sông, suối...; sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Những người có thói quen ăn uống không hợp vệ sinh, hay ăn rau sống, thủy hải sản chưa nấu chín kỹ cũng có nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, dân cư tại khu vực bị ngập lụt và sau ngập lụt cũng dễ mắc bệnh.
Có rất nhiều loại vi sinh vật có khả năng phát triển mạnh vào mùa hè, trong đó có những loại thuộc hệ tiêu hóa. Một số loại nguy hiểm nhất là vi khuẩn tả, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn lỵ và vi khuẩn E.coli, virút rota.
Đáng chú là vi khuẩn tả (V.cholerae). Đây là một loại vi khuẩn có độc lực rất mạnh. Triệu chứng của bệnh tiêu chảy do vi khuẩn tả rất rầm rộ, diễn biến phức tạp, người bệnh bị mất nhiều nước và chất điện giải trong một thời gian rất ngắn.
Vì vậy, bệnh nhân rất có khả năng bị trụy tim mạch và có nguy cơ tử vong, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời. Vi khuẩn thương hàn (Salmonella) cũng là một loại kẻ thù đáng sợ trong bệnh tiêu chảy mùa nắng nóng. Chúng thuộc họ vi khuẩn đường ruột, có khả năng gây bệnh cho nhiều người.
Bệnh tiêu chảy do vi khuẩn thương hàn cũng chủ yếu lây theo đường ăn uống. Ngoài triệu chứng gây rối loạn tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy), chúng còn gây ra nhiễm khuẩn huyết, một thể bệnh hết sức trầm trọng. Một số trường hợp bị bệnh thương hàn có thể bị thủng ruột, nếu không phát hiện sớm và cấp cứu không kịp thời, rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng; bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh; hạn chế ra vào vùng đang có dịch.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã; không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh, ...; chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng; các thức ăn đã nấu chín hoặc thức ăn còn dư, để từ bữa trước sang bữa sau phải được bảo quản tốt; nếu chỉ sử dụng ngay sau một thời gian ngắn thì đậy lồng bàn, để nơi mát, thoáng gió; nếu muốn để lâu (vài tiếng trở lên) thì phải cho vào tủ lạnh, lưu ý tủ lạnh phải để ở mức độ đủ lạnh cần thiết; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn; hạn chế tập trung ăn uống đông người như ma chay, đám giỗ, cưới xin, liên hoan... trong vùng đang có dịch.
Nguồn: http://www.baomoi.com/vi-sao-mua-he-hay-bi-benh-tieu-chay/c/19542055.epi